Lẩu Thái Tomyum với hương vị chua cay nồng nàn hòa quyện cùng vị ngọt của các loại nguyên liệu, chắc chắn sẽ là món ngon không thể thiếu trong các buổi tụ họp gia đình, bạn bè vào dịp cuối cùng. Trong bài viết dưới đây, Review Ẩm Thực sẽ hướng dẫn bạn 2 cách làm lẩu Thái Tomyum chay và mặn cho buổi tiệc thêm vui. Mời bạn cùng tham khảo!
Đôi nét về lẩu Thái Tomyum
Tom Yum, hay còn gọi là Tom Yum Goong, là món canh/lẩu chua cay nổi tiếng nhất của Thái Lan và được yêu thích trên toàn thế giới. Món ăn này sẽ chinh phục thực khách ngay từ lần thưởng thức đầu tiên bởi sự hòa quyện tinh tế giữa các loại gia vị, nguyên liệu và thảo mộc, sẽ mang đến hương vị chua cay, ngọt thanh nồng nàn khó quên nơi đầu lưỡi.
Tuy nhiên, bí quyết cho món nước dùng lẩu Thái Tomyum thơm ngon chuẩn vị không chỉ nằm ở khâu nêm nếm, mà còn phụ thuộc vào việc người nấu chuẩn bị các nguyên liệu chính sẽ có trong nước lẩu. Nếu bạn ăn cùng với bùn, nước lẩu nên được nấu với vị ngọt thanh để cân bằng vị chua của bún, hoặc nước lẩu sẽ cần chua hơn chút nếu kết hợp cùng vị ngọt béo của mì.
Tom Yum không chỉ là món ăn ngon mà còn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Nước dùng Tom Yum có tác dụng giải cảm, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, các loại thảo mộc và gia vị trong món ăn cũng mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho sức khỏe của bạn.
Hiện nay, món lẩu Thái Tomyum đã dần trở nên phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở mỗi một quốc gia, món ăn này lại được biến tấu đôi nét để phù hợp với ẩm thực địa phương. Tuy nhiên, dù là ở đâu thì đây vẫn là một món có hương vị thơm ngon mà bạn có thể đưa vào thực đơn ăn uống của gia đình hoặc chuẩn bị cho các buổi tiệc sum vầy.
Cách làm lẩu Thái Tomyum mặn
Để làm món lẩu Thái Tomyum, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các loại nguyên liệu sau:
Nguyên liệu (cho 5 người ăn)
- 300g xương gà
- 200g thịt bò
- 100g cá viên
- 500g cá bông lau
- 200g tôm
- 200g nghêu
- 200g mực
- 20g hành tím
- 20g nấm rơm
- 100g bún tươi
- 250g rau sống
- 10g ớt xiêm
- 10g tỏi băm
- 2 trái ớt sừng
- 10g hành tím băm
- 1 ít rượu trắng
- 5 trái cà chua
- 2 trái ớt loại không cay
- 1 gói bột Tomyum
- 1 ít gia vị quen thuộc (muối, hạt nêm, đường…)
- 60g tương cà
- 120g tương ớt
- 10ml nước mắm
- 12g bột chanh
Mẹo chọn mua nguyên liệu
Để tạo nên hương vị tươi ngon tròn vị, bạn cần phải kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn nguyên liệu:
Cách chọn cá bông lau
- Đối với cá tươi, nên chọn loại còn khỏe, vảy và đuôi nguyên vẹn, da màu bạc tự nhiên, không bị lở loét hay nổi đốm.
- Đối với cá làm sẵn, nên ưu tiên chọn các miếng không có màu quá đậm, thường chỉ hồng nhạt và có độ tươi ngon, đàn hồi tốt, không có mùi hôi hay chảy dịch bất thường.
Cách chọn tôm tươi
- Nên chọn tôm có phần thân hơi cong, còn nhảy tanh tách và thịt căng chắc, vỏ nguyên vẹn.
- Phần đầu và chân tôm không rời ra khỏi thân, vỏ trơn bóng, không cho cảm giác sạn, nhớt hoặc dính tay khi cầm lên.
Cách chọn nghêu tươi
- Nên chọn những loại nghêu ngậm chặt miệng, vở cứng và cầm lên cho cảm giác nặng tay.
- Với những con nghêu mở miệng, bạn có thể thử chạm vào, nếu chúng ngậm miệng lại thì tức là chúng vẫn còn tươi sống.
Cách chọn mực tươi
- Mực tươi thường có thân màu nâu sẫm và sáng bóng.
- Nên chọn những con mực săn chắc, độ đàn hồi cao, mắt mực màu sáng trong và có nhiều xúc tu ở chân rau.
Cách chế biến
Sau khi mua và chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bạn tiến hành chế biến với hướng dẫn sau:
Bước 1: Nấu nướng dùng
- Khử mùi hôi của xương gà bằng cách rửa với nước muối loãng, sau đó rửa lại thật sạch bằng nước. Bóc vỏ, cắt đôi và đập dập 1/2 củ hành tím.
- Đặt nồi lên bếp, cho 2 lít nước vào nồi và đun lên đến khi nước sủi bọt lăn tăn thì mới cho xương gà và hành tím vào nồi. Sau đó, đậy nắp và đợi cho đến khi nước sôi lại.
- Khi nước sôi, hạ lửa xuống thấp và vớt đi các bọt bề mặt để nước dùng trong sạch và trong suốt hơn, sau đó tiếp tục nấu nước dùng trong vòng 30 phút để tạo độ ngọt cho nước dùng.
Bước 2: Sơ chế tôm thịt, hải sản
- Cá bông lau: Rửa sạch cá bằng nước muối loãng, sau đó dùng rượu hoặc giấm thoa đều lên bề mặt rồi cạo sạch da cá. Tiếp theo, bạn cắt nhỏ thành khúc dày khoảng 3 – 4 cm, hoặc phi lê cá nếu nhà có trẻ em.
- Tôm: Rửa sạch, bỏ đầu và lột vỏ, sau đó xẻ thân để loại bỏ chỉ lưng tôm.
- Thịt bò: Rửa sơ với nước muối loãng để loại bỏ mùi tanh, sau đó cắt thành lát mỏng theo chiều ngang để thịt không bị dai.
- Nghêu: Loại bỏ con chết và ngâm nghêu trong nước khoảng 2 tiếng với ớt để nghêu nhả cát. Sau đó, chà sạch nghêu và rửa lại với nước sạch.
- Mực: Xẻ ngang phần thân, loại bỏ nội tạng và lột da mực, sau đó rửa sạch bằng rượu trắng, gừng, giấm hoặc chanh để khử mùi tanh.
Mẹo hay: Để làm sạch cát trong nghêu, bạn có thể ngâm chúng trong nước ấm (khoảng tầm 50 độ C). Lúc này, chúng sẽ nhả cát ra trong vòng 10 phút. Tuy nhiên, hãy đảm bảo lượng nhiệt vì nếu nhiệt độ quá cao, nghêu có thể sẽ bị nấu chín trước khi kịp làm sạch.
Bước 3: Sơ chế rau củ còn lại
- Sau khi mua rau về, bạn nhặt bỏ các lá hư rồi ngâm trong tầm 10 phút để loại bỏ thuốc và chất bẩn, sau đó mới rửa lại một vài lần với nước sạch.
- Đối với rau muống, bạn nên giữ cọng và cắt thành khúc từ 4 – 5cm vừa ăn, các loại rau như rau kèo nèo, rau nhút cũng mang rửa sạch và cắt khúc tương tự.
- Nấm rơm cắt bỏ phần gốc, rửa sạch, ớt sừng đập dập 1 trái, 1 trái tỉa hoa, còn ớt không cay mang đi băm nhuyễn.
- Riềng, sả, hành tím, ớt rửa sạch rồi đập dập, lá canh cắt nhuyễn 1 nửa, để lại 1 nửa còn cà chua mang đi cắt múi cau 1 trái, cắt hạt lựu 2 trái và trái còn lại tỉa hoa trang trí.
Bước 4: Nấu lẩu
- Sau khi ninh xong nước dùng, bạn lọc lấy nước và bỏ lại xương gà.
- Bây giờ, bạn cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo nóng trên bếp, khi dầu nóng cho tỏi vào phi thơm, sau đó tiếp tục cho sả, riềng, lá chanh, cà chua, ớt đập dập, hành tím vào xào chung.
- Cho tất cả hỗn hợp trên vào nồi nước dùng, sau đó nấu nước dùng đến khi sôi lên thì vớt chúng ra.
- Trong một cái chảo khác, tiếp tục cho 1 thìa cà phê dầu ăn, 120g tương ớt và 60g tương cà vào xào đều tay, sau đó đổ ½ gói bột Tomyum vào xào chung cho đến khi tất cả đổi thành màu vàng cánh gián.
- Tiếp tục cho hỗn hợp đó vào nồi nước dùng rồi nêm thêm: 8g muối + 15g hạt nêm + 12g bột chanh + 40g đường cát.
- Khuấy đều đến khi nước dùng sôi lại thì cho lá chanh, nấm rơm, cà chua múi cau và ớt băm nhuyễn vào nốt là xong.
Bước 5: Hoàn thành
Sau khi nấu xong nước dùng lẩu, bạn cho chúng ra nồi diện rồi thêm tôm thịt, hải sản đã sơ chế ở trên vào trong. Đợi khi tất cả đã chín, hãy múc ra và thưởng thức kèm với bún và chén nước mắm ớt chanh để cảm nhận hương vị chua cay mặn ngọt đang bùng nổ trong khoang miệng, bạn nhé!
Cách làm lẩu thái Tomyum chay
Món lẩu Thái Tomyum vốn dĩ là một món ăn mặn bởi nguyên liệu chính thường là các loại tôm, thịt và hải sản. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể biến tấu thành một món chay sao cho phù hợp với dịp và thói quen ăn uống của mình.
Nguyên liệu (5 người ăn)
- 100g nấm rơm.
- 100g tàu hũ ky chiên
- 200g chả chay
- 1 bó rau muống
- 1 bó rau mồng tơi
- 1 bắp cải thảo
- 500g bún/mì tôm
- 2 củ cà rốt
- 1 củ cải trắng
- 1 bắp ngô ngọt
- 1/2 quả dứa
- 3 quả cà chua
- 4 cây sả
- 3 quả ớt
- 1 củ gừng nhỏ, rau ngổ
- Gia vị chay
Cách chế biến
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bạn có thể bắt tay vào thực hiện với các bước sau:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Nấm cắt bỏ phần gốc, rửa sạch rồi cắt khúc vừa ăn.
- Loại bỏ lá héo, rễ và rửa sạch rau, băm nhỏ ớt, gừng và đập dập sả.
- Rửa sạch, nạo hoặc lột vỏ các loại củ, sau đó cắt theo dạng khoanh tròn, mỗi khoanh dày tầm 4cm.
- Cắt nhỏ chả chay và tàu hũ ky.
Bước 2: Nấu nước dùng
- Phi thơm hỗn hợp sả, gừng, cà chua và dứa trên chảo dầu nóng rồi cho 1l nước vào đun cho đến khi nước sôi.
- Khi nước sôi, tiếp tục cho cà rốt và củ cải vào hầm trong khoảng tầm 20 phút, sau đó thêm ớt và nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn.
Bước 3: Hoàn Thành
Bây giờ, bạn chỉ cần chuyển sang nấu bằng bếp điện, sau đó cho tất cả nguyên liệu còn lại ra đĩa để nhúng lẩu.
Nhìn chung, món lẩu chay sẽ đơn giản và dễ thực hiện hơn so với lẩu mặn, nhưng vị chua cay mặn ngọt đặc trưng thì vẫn không hề thua kém đâu nha!
Cùng trải nghiệm hương vị tuyệt đỉnh của hơn 1000 món ăn được mệnh danh là món ăn ngon nhất thế giới
Review món lẩu Thái Tomyum
Với vị chua cay đặc trưng, lẩu Thái Tomyum sẽ lập tức làm hài lòng tất cả mọi người – kể cả là các thực khách khó tính nhất chỉ trong lần thưởng thức đầu tiên. Còn gì tuyệt vời bằng việc được húp sùm sụp thứ nước lẩu nóng chua cay trong những ngày đông lạnh giá cùng với gia đình, bạn bè?
Không chỉ thế, món ăn này còn cực kỳ bổ dưỡng và rất phù hợp với những ai đang bị cảm mạo. Tuy nhiên, để nấu một nồi lẩu Thái Tomyum với đầy đủ nguyên liệu, bạn cần tốn 300.000 – 350.000 VND cho một phần lẩu mặn và 250.000 – 300.000 VND cho một phần lẩu chay với khoảng 5 người ăn. Đây là một mức giá không quá cao so với ăn ngoài hàng, nhưng nó vẫn sẽ phù hợp hơn cho các buổi tiệc gia đình, bạn bè.
Ngoài ra, cũng có nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề “calo của món lẩu Thái Tomyum là bao nhiêu”. Với nhiều nguyên liệu và gia vị như trên, mức calo của lẩu thái Tomyum mặn sẽ là 1850 – 2000 calo, còn với nồi lẩu Thái Tomyum chay thường chỉ dao động từ 1000 – 1100 calo. Đây là một mức calo không quá cao so với khẩu phần 5 người, nhưng bạn vẫn nên cân nhắc vì ăn quá nhiều món chua cay thường không tốt cho sức khỏe, và nếu không xây dựng được thực đơn phù hợp, chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả ăn kiêng và lộ trình luyện tập của bạn.
Bên trên là 2 cách làm lẩu Thái Tomyum chay và mặn mà bạn có thể tham khảo. Nhìn chung, các bước mà Review Ẩm Thực chia sẻ ở trên đều khá đơn giản và dễ thực hiện, vậy nên đừng quên xắn tay vào bếp để chiêu đãi gia đình, bạn bè một bữa tiệc thịnh soạn với món ăn thơm ngon, đậm vị này nhé!